Sử dụng dữ liệu đến từ kính viễn vọng James Webb của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), một đội ngũ các nhà thiên văn học châu Âu đã có thể rút ra một số kết luận về kết cấu khí quyển của WASP-107b, hành tinh khí khổng lồ như Hải Vương tinh của hệ mặt trời.
Kết quả cho thấy WASP-107b, cách địa cầu khoảng 200 triệu năm ánh sáng, không chỉ nóng khủng khiếp (với nhiệt độ tầng khí quyển trên cùng hơn 480 độ C), mà nơi đây còn là nhà của những đám mây cát.
Không những thế, mây cát còn có thể tạo ra những cơn mưa toàn cát xuống bề mặt hành tinh, theo báo cáo đăng trên chuyên san Nature.
Trước đó, các nhà thiên văn học đặc biệt chú ý đến WASP-107b vì hành tinh này có trọng lượng nhẹ và kết cấu có thể so sánh như kẹo bông gòn, tức bề ngoài đáng nể nhưng bên trong lại nhẹ.
Bất chấp kích thước như sao Mộc, WASP-107b có khối lượng chỉ bằng 12% so với khối lượng của hành tinh lớn nhất hệ mặt trời. Hành tinh xoay quanh một ngôi sao nguội hơn và nhỏ hơn so với mặt trời của chúng ta.
Cũng nhờ WASP-107b có kết cấu khá loãng, đội ngũ chuyên gia châu Âu đã có thể nhìn xuyên qua khí quyển của hành tinh.
Đồng tác giả báo cáo, tiến sĩ Achrène Dyrek của Đại học Paris (Pháp) cho hay khám phá mới về hành tinh trên đã có thể thực hiện nhờ vào kính viễn vọng James Webb, mang đến năng lực phân tích kết cấu khí quyển của những hành tinh xa xôi.